HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác thuỷ lợi


10:44' SA-13, 13/06/2013
Tăng cường hiệu quả hoạt động của đơn vị quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi đầu mối lớn, kênh trục chính; phát triển tổ chức hợp tác dùng nước, đó là những nội dung chính được thảo luận trong Hội thảo "Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thuỷ lợi" do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ lợi, năm 2012 cả nước có 16.238 tổ chức hợp tác dùng nước, hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau. Trong đó, mô hình thực tế chiếm đa số hiện nay là các HTX dịch vụ tổng hợp, có làm dịch vụ thuỷ lợi.

Các hồ chứa nước ở nước ta hiện nay chủ yếu được giao cho một số tổ chức quản lý (chủ đập). Theo thống kê, các DN quản lý công trình thuỷ lợi hiện được giao quản lý khoảng 980 hồ chứa các loại, trong đó chỉ có 1 tổ chức trực thuộc Bộ NN-PTNT, còn lại là các Cty THHH MTV trực thuộc UBND tỉnh, thành phố được giao quản lý nhiều hồ chứa như Lạng Sơn (84 hồ), Thanh Hoá (31 hồ)…

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết: Nhìn chung, các hồ chứa giao cho các DN khai thác công trình thuỷ lợi quản lý có tình trạng công trình tốt hơn, mức bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão cao hơn các hồ chứa do chủ đập quản lý. Tuy nhiên, việc xây dựng phương án phòng chống úng, ngập vùng hạ du hồ chứa và kiểm định hồ chứa hầu như chưa được các chủ đập thực hiện, nguyên nhân do thiếu kinh phí, vượt quá khả năng chi trả của chủ đập.

Trong khi có nhiều hệ thống thuỷ lợi phát huy tốt năng lực, đạt mức cao hơn so với thiết kế ban đầu như hệ thống thuỷ lợi Núi Cốc (Thái Nguyên), Sông Quao, Cà Giây (Bình Thuận)…, thì nhiều hệ thống chưa phát huy hết năng lực so với khả năng của công trình đầu mối. Theo điều tra, bình quân chung của các hệ thống thuỷ lợi trên toàn quốc đều thấp so với công suất thiết kế ban đầu và năng lực thực tế tính theo diện tích tưới tiêu, như ở hệ thống Nam Thạch Hãn (Quảng Trị), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh)…

Ở khu vực ĐBSCL, một số công trình thuỷ lợi, cống ngăn mặn lớn, nhiều kênh mương trục chính đã được xây dựng nhưng thiếu công trình điều tiết; bên cạnh đó, hệ thống công trình thuỷ lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, việc quản lý còn thiếu chặt chẽ nên chưa phát huy hết khả năng như mong đợi. Hiện mới chỉ có 33% chiều dài kênh mương được kiên cố, trong đó chủ yếu là kênh chính, kênh cấp I.

Do điều kiện kinh tế và xã hội và dân sinh, nhiều huyện, xã miền núi của các tỉnh không thành lập được mô hình HTX, UBND xã phải cử cán bộ trực tiếp phụ trách hoặc có địa phương thì Phòng NN-PTNT phải trực tiếp cử cán bộ kiêm nghiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi.

Ì ạch

Ông Nguyễn Trường Xuân, đại diện Cty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thuỷ lợi cho biết: "Chúng tôi đang quản lý toàn bộ hệ thống thuỷ lợi của TPHCM. Tôi thấy đa số công trình thuỷ lợi tưới cho lúa, giờ chuyển qua mô hình tưới cho hoa, rau màu thì phải tưới tiết kiệm bằng phương pháp tưới phun. Nhưng mình thì vẫn cứ tưới ngập… Như vậy tức là mình đã đi ngược quy luật của nó.

Từ chỗ tưới cho lúa, thực hiện theo đề án NTM ở TPHCM, chúng tôi phải chuyển sang hướng tưới tiết kiệm. Từ năm 2000 đến nay, tất cả các dự án về thuỷ lợi, Sở NN-PTNT đều giao cho chúng tôi làm chủ đầu tư. Bình quân một năm chúng tôi nhận được từ 150 - 200 tỉ từ ngân sách của thành phố. Nguồn thứ hai là từ Bộ và các đơn vị khác. Nhưng số tiền ấy không thể đủ. Trung bình mỗi năm chúng tôi vẫn phải vay khoảng 30 tỉ đồng, mà thuỷ lợi thì chắc chắn là không có tài sản thế chấp nên cứ phải dựa vào uy tín của DN là chính".

Nói về cái khó trong công tác quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi, bà Nguyễn Thị Định, GĐ Sở NN-PTNT Tuyên Quang chia sẻ: "Chi cục Thuỷ lợi của tỉnh chỉ có 15 cán bộ, nhưng phải quản lý 149 BQL các công trình thuỷ lợi cơ sở. Vì thế, họ rất khó có thể hoàn thành nhiệm vụ...".

Theo nội dung dự thảo đề án "Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các hệ thống công trình thuỷ lợi", nhiệm vụ cụ thể của ngành thuỷ lợi đến năm 2020 là: Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thuỷ lợi lên trên 80%; tăng 5% diện tích gieo trồng được tưới so với hiện nay, giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng phục vụ trên 1 ha; tiết kiệm khoảng 10% lượng nước tưới cho cây trồng trên cùng một diện tích gieo trồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng nhận định: “Hệ thống thuỷ lợi Việt Nam là một hệ thống vĩ đại, nếu quy ra tiền phải đến vài chục tỉ USD. Nước là hàng hoá quan trọng. Ngày trước Malaysia mua lại hệ thống lấy nước từ sông Đà về Hà Nội. Anh em nói với chúng tôi là xây dựng mất 50 triệu USD, người ta mua 100 triệu USD. Nhưng bây giờ có người bảo muốn mua lại 200 triệu USD bên Malaysia cũng không bán.

Chúng ta đang quản lý một nguồn nước vô cùng lớn, nhưng chúng ta vẫn nghèo, bởi chúng ta đang sử dụng quá lãng phí nguồn tài nguyên này. Thực tế công tác thuỷ lợi ở nước ta vẫn hoạt động theo cơ chế xin - cho, không ít cán bộ có tâm lý chây ỳ, bởi không làm việc vẫn nhận được tiền".

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Nhằm tranh thủ xây dựng NTM để làm thuỷ lợi, chúng ta phải xuất phát từ ý nguyện của dân, dân thành lập và bàn bạc kế hoạch sử dụng nước thì lúc ấy có thiếu tiền thuỷ lợi phí của Nhà nước cấp thì vẫn làm được. Đồng thời phải đề cao tính năng động, sáng tạo của các Cty, DN quản lý và kinh doanh công trình thuỷ lợi... Nhiều Cty có nguồn vốn ít, nhưng biết vượt qua khó khăn để đi lên khẳng định mình, như Cty TNHH MTV quản lý khai thác thuỷ lợi.

(Nguồn: nongnghiep.vn)

Số lượt xem: 54  -  Cập nhật lần cuối: 13/06/2013 10:45' SA
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .