HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Van đĩa tự động đóng mở kiểu thủy lực kết hợp đối trọng có đường kính đến 1500mm, áp suất làm việc đến 12 at dùng để đóng mở các đường ống nước trong các trạm thủy điện và các công trình thủy lợi thay thế cho nhập ngoại.


03:41' CH-19, 19/09/2014

1.Xuất xứ công nghệ:

Hiện nay van đĩa có đường kính lớn và chịu áp suất cao (trên 10 kg/cm2 ) chưa sản xuất được trong nước. Vì vậy phải nhập của nước ngoài vừa giá thành cao mà rất khó thay thế phụ tùng. Trước thực tế phát triển thủy lợi và thủy điện trong nước đòi hỏi phải cấp thiết chế tạo van đĩa trong nước. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu đã đề xuất đề tài nghiên cứu cấp cơ sở: “Nghiên cứu sản xuất thực nghiệm các van đĩa đường kính đến D1500mm, áp lực đến 12at dùng cho trạm thủy điện thay thế cho nhập ngoại”.Van đĩa tự động chế tạo trong nước có các thông số tương đương với thông số van đĩa của Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng giá thành chỉ bằng 2/3 giá thành nhập khẩu. Hiện nay, van đĩa tự động đã nghiên cứu thành công và được lắp tại nhiều công trình thủy lợi và thủy điện trên cả nước Việt Nam.

2. Quá trình nghiên cứu ra công nghệ

(1) Nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước kết hợp khảo sát nhiều công trình thủy lợi và thủy điện để đưa ra một mẫu van đĩa vừa tiên tiến như nước ngoài đồng thời phù hợp với khí hậu gió mùa và ẩm của Việt Nam.

(2) Thiết kế cải tiến van đĩa phù hợp với trình độ công nghệ chế tạo trong nước và sử dụng vật liệu có sẵn không phải nhập khẩu. Bao gồm:

  • Cải tiến kết cấu các chi tiết lớn đúc liền khối: thân van và đĩa van thành kết cấu đúc-hàn.
  • Các loại thép dùng cho thân van, đĩa van, xi lanh thủy lực và các chi tiết khác là loại thông dụng có trên thị trường. Các chi tiết gioăng làm kín chế tạo tại Công ty Cao su Sao vàng.

(3) Kỹ thuật làm kín đĩa van với thân van của van đĩa khi van đĩa ở chế độ đóng hoàn toàn, kỹ thuật làm kín xi lanh thủy lực điều khiển đóng mở van van đĩa.

(4) Kỹ thuật đóng mở mềm mại van đĩa khi vận hành bằng phương pháp sử dụng đối trọng và thiết kế phù hợp hệ thống thủy lực điều khiển.

(5) Nghiên cứu quy trình công nghệ sao cho phù hợp với các thiết bị chế tạo tại các xưởng ở Việt Nam.

(6) Nghiên cứu tự động hóa khi có điện và điều khiển bằng bơm tay khi mất điện.

3. Mô tả quy trình CN/TB: (xin gửi kèm sơ đồ quy trình công nghệ/ảnh nếu có)

3.1. Mô tả quy trình công nghệ.

3.1.1. Mô tả quy trình công nghệ đúc:

Từ bản vẽ thiết kế. Ta phân loại ra một số chi tiết đúc như: thân van, cánh van, đối trọng và bạc đồng để thiết kế sơ đồ quy trình công nghệ đúc. Đầu tiên ta có bản vẽ thiết kế công nghệ đúc, dùng các máy gia công chế tạo mẫu gỗ để làm thao và khuôn đúc trên nền cát mịn. Sau đó nấu gang, thép hoặc đồng rót vào khuôn, sau đó dỡ khuôn cắt đậu, bavia và làm sạch bằng máy phun bi. Cuối cùng là khâu nhiệt luyện và thường hóa một số chi tiết.

3.1.2. Mô tả quy trình gia công cơ khí các chi tiết sản phẩm:

Từ phôi đúc dùng các máy tiện đứng 1531, tiện ngang 1A64, máy khoan 2H55, máy mài… để gia công các chi tiết sản phẩm. Qua các lần kiểm tra ta được chi tiết tương đối hoàn chỉnh sau đó kiểm tra lần cuối bằng thước lá, thước cặp, thước panme, đồ gá, kiểm tra độ đồng tâm, vuông góc của các chi tiết…Cuối cùng là đến ren lỗ và làm sạch chi tiết.

3.1.3. Mô tả quy trình lắp ráp:

Đầu tiên ta lắp các chi tiết của van đĩa (trong đó có gioăng) thành một cụm. Tương tự như vậy, ta làm đối với trục van, cần đối trọng và bộ nguồn. Cuối cùng ta tích hợp các cụm đó với nhau. Trong quá trình lắp ráp đòi hỏi tỷ mỉ và khéo tay sao cho không bị hỏng gioăng và xây sát các bề mặt gia công.

3.1.4. Mô tả quy trình thử nghiệm và kiểm tra van đĩa:

Trước hết phải mài gioăng bằng các dụng cụ công nghệ tinh xảo sao cho gioăng làm kín tốt giữa thân van và cánh van. Thử nghiệm bộ nguồn, xilanh thủy lực có bị rò rỉ hay không? Làm việc trơn tru và đạt các thông số kĩ thuật hay không? Cuối cùng ta cho chạy không tải trong môi trường không khí và thử áp xem mức độ rò rỉ qua gioăng của cánh van đĩa với thân van trong phạm vi cho phép. Còn rò rỉ qua trục van là không cho phép.

3.2. Tiêu chuẩn đạt được: Tiêu chuẩn Việt Nam

3.3. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác:

  • Chỉ tiêu về kinh tế: giá thành bằng 1/2 so với các van đĩa của châu Âu cùng lưu lượng và áp suất và bằng 2/3 so với van đĩa của Trung Quốc có cùng lưu lượng và áp suất.
  • Chỉ tiêu kỹ thuật khác: Hiện nay trong nước chưa sản xuất được van đĩa chịu áp suất cao (12Kg/cm2 thậm chí van đĩa của đề tài đã được lắp ở trạm thủy điện Suối Tân chịu được cột nước cao đến 125m). Vì vậy van đĩa trong đề tài đã chế tạo đạt đến đường kính 1500mm (áp dụng cho trạm thủy điện Tắc Ngoẵng-Sơn La) và áp suất làm việc đến 12Kg/cm2.
  • Với cùng thông số kỹ thuật thì van đĩa trong nước sản xuất có giá thành rẻ bằng 2/3 van đĩa của Đài Loan và Hàn Quốc.

3.4. Áp suất làm việc: 12at.

4. Quá trình hoàn thiện công nghệ:

Sau khi đề tài thành công và được lắp thử nghiệm tại trạm thủy điện Suối Tân có đường kính Φ600mm, cột nước 125m. Nhóm đề tài từng bước hoàn thiện, cải tiến từ cánh van đĩa, thân van đĩa, quy trình công nghệ đóng mở bằng xilanh thủy lực kết hợp với đối trọng và mạnh dạn nâng cao đường kính lên 1400mm, và sẽ được lắp tại trạm thủy điện Tắt Ngoẵng – Sơn La.

5. Các lĩnh vực có thể áp dụng CN/TB:

  • Các công trình thủy lợi
  • Các trạm thủy điện
  • Các hệ thống nước sinh hoạt, nước công nghiệp và các ngành dân sinh khác

6. Ưu điểm của CN/TB: (Ghi rõ ưu điểm so với CN/TB ngoại nhập)

Ưu điểm nổi trội của van đĩa sản xuất trong nước so với nhập ngoại là giá thành rẻ như đã nêu ở trên. Ngoài ra van đĩa sản xuất trong nước đã được nhiệt đới hóa (phần gioăng, tủ điện, phần tử van thủy lực…) nên không bị lão hóa hoặc rỉ sét. Van đĩa sản xuất trong nước còn có ưu điểm vận hành đơn giản, gọn nhẹ và chủ động về thời gian cũng như kinh phí khi vận chuyển, bảo dưỡng sửa chữa hoặc thay thế thiết bị.

7. Quy mô và địa chỉ đã ứng dụng:

  • Trạm thủy điện Cấm Sơn - Lạng Sơn
  • Trạm thủy điện Suối Tân-Sơn La
  • Trạm thủy điện Tà Nung-Đà Lạt-Lâm Đồng
  • Trạm thủy điện Tà Sa-Cao Bằng
  • Trạm thủy điện Tắc Ngoẵng – Sơn La

http://www.vawr.org.vn
Số lượt xem: 132  -  Cập nhật lần cuối: 19/09/2014 03:59' CH
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .