HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Bảo vệ đê điều trước thiên tai


04:57' CH-24, 24/10/2016

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai đặc biệt là lũ lụt, bão, lũ quét, hạn hán...

Bởi vậy, công tác bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai cần phải được đặc biệt coi trọng.

Hội nghị Giao ban công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt vừa được Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) tổ chức tại Thái Bình. Những vấn đề “nóng” của ngành đã được các đại biểu “mổ xẻ” và góp ý kiến xây dựng.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, nhận định: Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ đê điều và phòng chống thiên tai đang được hiện đại hóa cả về “phần cứng” và phần mềm. Cùng với việc đầu tư tu bổ, nâng cấp, cứng hóa hệ thống đê điều; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng được nâng cao.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi phát biểu tại hội nghị

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác hộ đê, phòng chống tiên tai đang đứng trước nhiều thách thức. Theo ông Hoài, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước eo hẹp như hiện nay, việc xây dựng và phát triển quỹ phòng chống thiên tai được xem như cứu cánh của ngành.

Theo thông tin từ ông Tăng Quốc Chính, Phó cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi), sau gần 2 năm kể từ khi Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, đến nay, mới chỉ có 42/63 tỉnh đã thành lập và thu Quỹ Phòng chống tiên tai. Tổng số quỹ gần 300 tỷ đồng.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này, ông Chính nói: "Nghị định 94 đã quy định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc thu Quỹ Phòng chống thiên tai; đối tượng và mức đóng quỹ… Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc xử phạt hành chính đối với những người không nộp quỹ. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch, trình UBND phê duyệt thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai cũng không được đề cập cụ thể (kiêm nhiệm hay chuyên trách)".

Cũng theo ông Tăng Quốc Chính, trong công tác phòng, chống thiên của các tỉnh, thành phố có đê, việc trực ban là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 11/18 tỉnh đã ban hành quy chế trực ban phòng chống thiên tai. Các tỉnh vẫn chưa hoàn thành gồm: Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ.

Bên cạnh đó, trong các bản tin dự báo thiên tai, Luật Phòng chống thiên tai yêu cầu phải đưa cấp đội rủi ro thiên tai (thường từ cấp độ 1 đến 5). Nhưng, trong quá trình triển khai Luật và Quyết định 44/2014/QĐ-TTg về hướng dẫn cấp độ rủi ro thiên tai, thì hiện nay có một số cấp độ rủi ro thiên tai chưa phù hợp. Ví dụ như xâm nhập mặn, ở đây chỉ có 2 cấp độ rủi ro thiên tai (tức là thuộc thẩm quyền điều hành của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh).

Từ năm 2014 - 2016, hạn hán xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh ĐBSCL và Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung bộ. Trước tình hình trên, BCĐ Trung ương phòng, chống thiên tai đã kiến nghị với Bộ TN-MT rà soát và sửa đổi, bổ sung các cấp độ rủi ro thiên tai cho phù hợp với tính chất nguy hiểm, cường độ và khả năng gây thiệt hại với các loại thiên tai đó.

Một vấn đề nữa cũng được nhiều địa phương phản ánh, đó là trang thiết bị tại các phòng trực ban phòng chống thiên tai chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là hệ thống giao ban trực tuyến.

Nói về tầm quan trọng của công tác bảo vệ đê điều, ông Phạm Văn Dụng, GĐ Sở NN-PTNT Thái Bình chia sẻ, Thái Bình được ví như ốc đảo, được bao bọc bởi 584km đê, 109 kè và hơn 200 cống lớn nhỏ phục vụ tưới, tiêu nước. Trong mùa mưa lũ, mực nước sông thường cao hơn cao trình đất tự nhiên của Thái Bình. Bởi vậy, nếu xảy ra sự cố vỡ đê thì có khoảng một nửa diện tích tự nhiên của tỉnh sẽ ngập trong nước. Và nếu đê biển vỡ ở chỗ nào thì Thái Bình cũng sẽ phải mất rất nhiều năm để thau chua, rửa mặn, cải tạo đất mới khôi phục sản xuất được.

"Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Các Bộ ngành, Trung ương và tỉnh, chúng tôi đã cứng hóa, kè được toàn bộ tuyến đê trực diện với biển. Các tuyến đê còn lại cũng từng bước được nâng cấp và duy tu. Chính vì thế, những năm qua chúng tôi đã giảm thiểu được tác hại của thiên tai đến tỉnh Thái Bình. Đây là điều rất đáng mừng", ông Dụng nói.

Theo ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Thủy lợi), tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 257/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Trong đó nêu rõ, tại khu vực bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng mới công trình nhà ở và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội diện tích xây dựng không được vượt quá 5% diện tích bãi sông. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành chưa hiểu rõ về Quyết định này, nên lập dự án xây dựng vượt diện tích tối đa cho phép. Như vậy, việc phê duyệt dự án sẽ rất khó khăn.

Minh Phúc

(Nguồn: nongnghiep.vn)

Số lượt xem: 28  -  Cập nhật lần cuối: 24/10/2016 05:03' CH
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .