HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài


10:38' SA-17, 17/07/2014

KTĐT - Hệ thống đê điều, thủy lợi trên địa bàn Hà Nội thường xuyên được quan tâm, đầu tư cải tạo, nâng cấp, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống lụt bão (PCLB), đảm bảo an toàn cho đời sống và sản xuất của người dân.

Tuy nhiên, trước những diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, yêu cầu phải có một quy hoạch đê điều tổng thể, mang tính dài hạn là yêu cầu vô cùng cấp thiết.

Còn nhiều bất cập

Theo thông tin của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2010 - 2013, TP đã quan tâm, tập trung đầu tư tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới 23,4km đê; cứng hóa 150km mặt đê; tôn tạo, gia cố 9,25km cơ đê; xây dựng 54,22km đường hành lang ven đê… với tổng kinh phí hơn 2.419 tỷ đồng. Đồng thời đã tiến hành nạo vét 180km kênh mương từ cấp II trở lên; cải tạo, nâng cấp 26 trạm bơm tưới, tiêu có tổng lưu lượng 700.000m3/giờ… với tổng kinh phí 1.400 tỷ đồng. Nhờ được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hệ thống đê điều, công trình thủy lợi và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đê điều và PCLB nên trong những năm qua, TP đã đảm bảo được an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, không để xảy ra sự cố lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão, ngập úng gây ra.

Dự án Đê kè tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm đang được xây dựng và hoàn thiện. Ảnh:Phạm Hùng
Dự án Đê kè tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm đang được xây dựng và hoàn thiện. Ảnh: Phạm Hùng

Dù đã được TP quan tâm đầu tư, nâng cấp, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, công tác PCLB của Hà Nội vẫn còn không ít vấn đề bất cập. Thực tế, nếu so với nhiều tỉnh, thành khác khi thực hiện Chương trình nâng cấp đê sông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mức đầu tư của TP vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều công trình thủy lợi hiện đã và đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng chậm được đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, việc quản lý đê điều, các công trình thủy lợi trên địa bàn TP vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao, trong khi phạm vi quản lý rộng, lực lượng chuyên ngành mỏng. Hà Nội là một trong những địa phương có tổng chiều dài toàn tuyến đê lớn nhất cả nước (chiếm 10%). Tổng số vi phạm về đê điều từ năm 2011 đến nay lên tới 913 vụ (chiếm 19% cả nước), nhưng các đơn vị chức năng TP mới chỉ xử lý được 281 vụ (bằng 31,9%)…

Cần sớm có quy hoạch

Trước một số vấn đề cấp bách liên quan tới đê điều, PCLB, trong buổi làm việc ngày 14/7 giữa UBND TP và đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, TP sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn mùa mưa bão; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; tập trung xử lý những trường hợp vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi... Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị Bộ NN&PTNT bố trí nguồn vốn đầu tư để triển khai các dự án trọng điểm phục vụ công tác PCLB trên địa bàn TP như nâng cấp đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ - Đan Phượng), nạo vét lòng dẫn sông Đáy giai đoạn II… Đồng thời, sớm phê duyệt Quy hoạch đê tả Hồng, hữu Hồng đoạn qua đô thị trung tâm. Quy hoạch tuyến đê dài 45km này có liên quan tới khoảng 40.000 hộ dân ngoài bãi. Đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo an toàn cho khu trung tâm chính trị của cả nước, đã được HĐND - UBND TP thông qua. Tuy nhiên, đến nay, Bộ NN&PTNT vẫn chưa phê duyệt phương án.

Xung quanh Quy hoạch đê tả Hồng, hữu Hồng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, đây là quy hoạch rất quan trọng. Khi tiến hành thẩm định phải căn cứ trên 3 yếu tố: Luật Đê điều, hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu PCLB trước mắt cũng như về lâu dài của TP trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Với ý nghĩa như vậy, trước mắt, Bộ không trực tiếp phê duyệt mà sẽ giao cho các cơ quan chức năng cụ thể hóa, đồng thời mời các chuyên gia đánh giá, phối hợp cùng nhau tìm ra phương án tối ưu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Trên địa bàn TP hiện có 626,124km đê đã được phân cấp, trong đó, đê từ cấp III đến cấp đặc biệt là 404,067km, đê cấp IV và cấp V là 222,057km, 41 tuyến đê bao, đê bối, đê chuyên dùng (chưa được phân cấp) với tổng chiều dài 132,84km. Trên các tuyến sông có 136 kè với tổng chiều dài 167km. Hiện, TP có 1.859 trạm bơm điện, năng lực tưới, tiêu đạt 4,9 triệu m3/giờ; 130 hồ chứa nước; 7.447 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 10.417km, bảo đảm tưới, tiêu cho 130.508ha.
Văn Thắng - Trọng Tùng
http://www.ktdt.vn
Số lượt xem: 20  -  Cập nhật lần cuối: 17/07/2014 11:29' SA
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,