HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc (Thái Nguyên): Góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh


09:47' SA-14, 14/01/2015

(Xây dựng) - Cách trung tâm TP Thái Nguyên 15km, hồ Núi Cốc là một hồ nhân tạo, công trình thủy lợi chắn ngang dòng sông Công ở lưng chừng núi với diện tích mặt hồ chừng 25km² trong đó có 89 hòn đảo lớn, nhỏ tạo thành một vùng thắng cảnh và khu nghỉ mát tuyệt đẹp giữa núi rừng hoang sơ, được mệnh danh “vịnh Hạ Long trên đất liền” của tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ là công trình thủy lợi và thủy điện, hồ Núi Cốc còn là khu du lịch sinh thái đầy tiềm năng, nổi tiếng với huyền thoại về nàng Công - chàng Cốc, với mặt nước xanh trong gợn sóng và những hòn đảo chìm trong làn sương mờ ảo lung linh…


Hồ Núi Cốc- truyền thuyết vẻ đẹp huyền thoại.

Nằm khá gần Thủ đô Hà Nội, chỉ mất chừng 2 giờ vượt qua chặng đường 80km là du khách đã có mặt tại TP công nghiệp gang thép Thái Nguyên. Vượt qua những đồi chè xanh mượt nhấp nhô hay những dòng suối chảy hiền hòa, du khách sẽ tiếp cận khu du lịch phía Bắc hồ Núi Cốc, một thiên đường vui chơi giải trí với các khu công viên Nước, công viên Khủng long, cá Sấu… cùng rất nhiều các nhà nghỉ nằm trên các triền đồi hay thấp thoáng dưới các tán cây keo lá chàm. Du khách có thể tham quan động Huyền thoại cung, động Ba cây thông hay động Thế giới cổ tích thật ấn tượng với những mê cung huyền ảo, những công trình tác tạo độc đáo của thiên nhiên với đủ hình dạng, đưa du khách bay bổng đến miền cổ tích xa xăm với các câu chuyện thần tiên lý thú. Thế nhưng, sau hơn 30 năm khai thác sử dụng, hồ Núi Cốc chưa một lần được cải tạo, nạo vét. Do đó, sự bồi lắng đã làm giảm nghiêm trọng đến diện tích hữu dụng và các chức năng khác của hồ từng ngày cũng bị ảnh hưởng theo. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã sáng suốt kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức xã hội hóa thu hút vốn thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm để trả lại sự bình yên, thơ mộng, đẹp đẽ và huyền bí của hồ, cũng như phát huy được tối đa các chức năng của hồ Núi Cốc mà tỉnh không phải dùng ngân sách để chi trả.

Hồ Núi Cốc được tạo thành sau khu đập ngăn dòng trên sông Công được xây dựng từ năm 1973 - 1982. Hồ có diện tích khoảng 25km2, dung tích hồ chứa từ 20 - 176 triệu m3 nước tùy theo mùa. Hồ chứa được xây dựng nhằm mục đích chính là cung cấp nước tưới cho 12.000ha đất nông nghiệp phía hạ du. Ngoài ra hồ còn cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp mỗi năm khoảng 40 - 70 triệu m3, cắt giảm lũ cho hạ lưu sông Công. Hiện nay qua quá trình khai thác sử dụng tương đối dài (32 năm) cùng với sự thay đổi về môi trường do nạn chặt phá khai thác rừng đầu nguồn, ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu của trái đất, lũ lụt xảy ra ngày càng khó lường hơn, cùng với đó là một lượng lớn bùn, cát, đất, đá và các tạp chất rắn khác được dòng chảy lũ mang về từ thượng nguồn, khi gặp đập Núi Cốc bị chặn lại, bồi lắng trong lòng hồ làm cho dung tích hồ chứa ngày càng nhỏ lại, khả năng lấy nước giảm, làm cho nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt và công nghiệp tăng cao. Mặt khác nước hồ cạn cũng ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi trồng thủy sản và khai thác các dịch vụ du lịch có sử dụng mặt nước lòng hồ. Theo tính toán của TS Ngô Lê Long - Đại học Thủy lợi thì mỗi năm lòng hồ Núi Cốc bị bồi lắng trên 500.000m3 bùn, đất, đá, cát, sỏi...

Theo số liệu khảo sát lòng hồ năm 2001 và kết quả tính toán đánh giá sự bồi lắng lòng hồ, chủ yếu phân bố bùn cát bồi lắng theo thời gian và không gian cho thấy bùn, cát không chỉ lắng đọng ở phần dung tích chết mà còn bồi dần lên cả phần dung tích hiệu dụng. Lượng bùn cát bồi lắng tại khu cửa vào hồ làm cản trở dòng chảy từ thượng lưu vào hồ. Khi hồ bị bồi lắng vượt trên cao trình +34m thì lượng bùn cát sẽ lấp dần cửa cống lấy nước, việc lấy lưu lượng bình quân Qbq = 15m3/s qua cửa cống để tưới sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, bùn, cát lắng đọng làm giảm dung tích hồ, làm tăng mật độ bùn cát lơ lửng dẫn đến giảm hàm lượng hòa tan ôxy trong nước, điều này có tác động rất tiêu cực tới đời sống thuỷ sinh vùng nước đáy, làm giảm năng suất nghề cá, giảm dung tích hồ chứa dẫn đến khả năng chống lũ cho hạ lưu của công trình cũng giảm theo.

Để đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên hiện nay và những năm tiếp theo, phát huy được các công năng của hồ Núi Cốc thì việc nạo vét lòng hồ Núi Cốc là hết sức cần thiết và cấp bách bởi nhu cầu về nước sinh hoạt, nước cho phát triển công - nông nghiệp - du lịch đòi hỏi ngày càng nhiều hơn về số lượng và khắt khe hơn về chất lượng; Đảm bảo khơi thông luồng lạch, tăng dung tích trữ nước của hồ chứa. Tạo độ sâu mặt nước đảm bảo các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy sản. Nếu không được tiến hành nạo vét kịp thời thì sau 20 năm nữa hồ Núi Cốc sẽ bị bồi lắng với số lượng lớn hơn 20 triệu m3, có nghĩa là về mùa kiệt hồ Núi Cốc bị bồi lắng hoàn toàn và không còn tác dụng nữa. Mặt khác khi tiến hành nạo vét lòng hồ Núi Cốc sẽ tận thu được phần nào về vật liệu xây dựng góp phần làm ổn định về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đây cũng là một yếu tố nhằm thu hút các nhà đầu tư về đầu tư các dự án lớn cho tỉnh nhà; Ngăn chặn được tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước và cảnh quan môi trường trong khu vực; Tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Chính vì vậy, tại giấy chứng nhận đầu tư số 17 121 000 036, ngày 26/8/2014 mà UBND tỉnh cấp cho Cty CP Đầu tư Bất động sản và Khoáng sản Đại Việt thực hiện đầu tư dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm đã xác định rõ về mục tiêu và quy mô dự án để nâng cao tuổi thọ và tăng dung tích chứa nước công trình hồ Núi Cốc; Cải thiện môi trường, môi sinh và chất lượng nước của công trình hồ Núi Cốc nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và du lịch; Tận thu cát, sỏi và một số sản phẩm khác trong quá trình nạo vét làm vật liệu xây dựng góp phần đảm bảo cung ứng kịp thời, ổn định về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn và một số nhu cầu khác của xã hội; Ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường nước, việc vận hành và an toàn của các công trình thủy lợi hồ Núi Cốc.

Dự án đi vào hoạt động ổn định sẽ giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động; đem lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh, tăng thêm lợi nhuận cho Cty và góp phần đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo môi trường.

Quy mô dự án:

- Tổng diện tích 1.452,33ha. Trong đó:

+ Diện tích khu vực lòng hồ: 1.392,02ha, gồm: Diện tích nạo vét lòng hồ: 1.316,17ha; Diện tích luồng lạch vận chuyển: 75,85ha;

+ Diện tích bãi kho, bãi tập kết: 37,34ha, gồm: Vùng bán ngập: 35,96 ha; Vùng không ngập: 1,38ha;

+ Diện tích bãi thải và đường giao thông phục vụ bãi thải: 22,97ha, gồm: Diện tích 2 bãi thải: 20,37ha; Diện tích đường vào bãi thải: 2,6ha;

+ Công suất nạo vét: 5 năm đầu là: 3.028.800m3; 10 năm cuối là: 7.979.200m3.

Lê Anh

Số lượt xem: 77  -  Cập nhật lần cuối: 14/01/2015 09:59' SA
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .