Tiền Giang cần 3.800 tỷ đồng đầu tư 5 dự án thủy lợi giai đoạn 2021 – 2025Trong báo cáo đề nghị đầu tư trung hạn các dự án trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 địa phương này cần 3.800 tỷ đồng để đầu tư 5 dự án thủy lợi.
Dự án số 1: Dự án Xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt tạo nguồn trên kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành và Tân Phước) Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ năm 1976 đến nay, để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, địa phương này đã đầu tư hàng loạt các hệ thống thủy lợi nhằm kiểm soát mặn, lũ, triều cường, dẫn nước ngọt, tiêu úng, xổ phèn. Tuy nhiên, thời gian qua địa phương phải luôn đối mặt với những hạn chế bất lợi trong điều kiện tự nhiên, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, nguồn nước biến đổi rất phức tạp. Mặn dường như có xu thế xuất hiện sớm, xâm nhập sâu hơn vào nội đồng và kết thúc muộn hơn. Khi đầu tư dự án trên sẽ nâng cao đầu nước tưới tự chảy cho diện tích gần 80.000 ha và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 807.716 dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, góp phần bảo vệ nguồn nước ngọt cho nhà máy nước tỉnh Long An đặt trên kênh Nguyễn Văn Tiếp hoạt động vào mùa khô. Ngoài ra, kết hợp hệ thống công trình đã xây dựng sẽ góp phần khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng, thích ứng với các tác động từ các nước thượng nguồn sông Mekong và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án Xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt tạo nguồn trên kênh Nguyễn Tấn Thành là 400 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương đầu tư công trình trung hạn 05 năm giai đoạn năm 2021 - 2025. Dự án số 2: Hoàn thiện hệ thống Thủy lợi Gò Công nằm ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho rằng, mặc dù hệ thống công trình vùng dự án tiếp tục được đầu tư hoàn thiện bằng nhiều nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết cực đoạn, khai thác phát triển thượng lưu gia tăng đã làm cho công trình tạo nguồn vùng dự án phải vận hành đóng ngăn mặn sớm hơn so với thiết kế, dẫn đến các hoạt động sản xuất trong vùng dự án thường bị gián đoạn, năng suất, hiệu quả kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiếu nước ngọt. Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư cải tạo cửa cống Xuân Hòa từ hình thức vận hành đóng mở tự động sang vận hành cưỡng bức để gạn triều, lấy ngọt và 01 trạm bơm tiếp ngọt cho vùng dự án. Đến nay, hệ thống thủy lợi vùng dự án đã hình thành hệ thống liên hoàn, chủ động kiểm soát nguồn nước, đáp ứng yêu cầu cơ bản phòng chống hạn mặn. Tuy nhiên, hệ thống nội vùng chưa hoàn thiện, dẫn đến việc điều tiết nguồn nước giữa các khu vực còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc hiện thực chuyển đổi sản xuất trong vùng dự án. Quy mô đầu tư của dự án lên đến 60 cống, xây dựng từ đầu kênh nối với các trục kênh chính với chiều dài từ 2 - 5 m. Đầu tư 03 hệ thống trạm bơm nội đồng nâng cao hiệu quả chuyển nước đến các vùng cuối nguồn, hiệu quả khai thác hệ thống. Tổng kinh phí của dự án lên đến 400 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương đầu tư công trình trung hạn 05 năm giai đoạn năm 2021 - 2025.
Dự án số 3: Hoàn thiện Hệ thống Thủy lợi Bảo Định (Tỉnh Long An và Tiền Giang) Hệ thống Thủy lợi Bảo Định được đầu tư từ năm 1985, hạ tầng thủy lợi vùng dự án cơ bản đã hình thành với hệ thống kênh trục, cấp 1 khoảng 150 km, hệ thống kênh cấp 2 phân bố khá dày với mật độ bình quân khoảng 7,2m/ha, hệ thống cống kiểm soát nguồn nước có quy mô từ 2 m trở lên khoảng 32 cống và khoảng 50 cống nội đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 14 vị trí chưa chủ động khép kín, hệ thống công trình được xây dựng qua nhiều thời kỳ nên đã xuống cấp. Đồng thời, hệ thống công trình nội đồng chưa được đầu tư hoàn thiện dẫn đến việc điều tiết nguồn nước còn nhiều khó khăn, chưa chủ động bởi hiện tượng đầu nguồn thừa nước, cuối nguồn thiếu nước hoặc ngập úng ở khu vực có địa hình thấp khi điều tiết nước cho các vùng cao, xa nguồn nước nước. Vì vậy, việc hoàn thiện dự án kết hợp với các công trình đã đầu tư để hình thành hệ thống thủy lợi chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, chủ động điều tiết nguồn nước cho diện tích 45.277 ha sản xuất nông nghiệp thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, tạo cơ hội cho người dân chủ động đầu tư chuyển đổi cây trồng có lợi thế vào sản xuất, tăng thu nhập. Dự án được đầu tư trên địa bàn 2 tỉnh Long An và Tiền Giang, với tổng kinh phí lên đến 600 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương đầu tư công trung hạn 05 năm giai đoạn năm 2021 - 2025. Dự án số 4: Hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo vệ vườn chuyên canh cây ăn trái (huyện Cái Bè) Huyện Cái Bè là vùng đất thấp so với đỉnh lũ và triều cường, cùng với mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt chia cắt lưu vực. Nhiều năm qua, việc đầu tư hệ thống đê bao cống bọng từ nguồn vốn Ngân sách và nhân dân, hệ thống đê bao trong vùng thường được xây dựng cặp theo bờ kênh hiện hữu hình thành các ô bao riêng biệt, tuyến đê và các cống dưới đê vừa phục vụ sản xuất vừa tận dụng làm các tuyến lộ giao thông. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là các kỳ triều cường kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão, lũ cường suất lớn, nước dâng cao hơn bình thường nhiều năm, xâm nhập mặn có nguy cơ ngày càng lấn sâu về phía thượng nguồn,… đã gây ra các tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân. Theo kịch bản biến đổi khí hậu giai đoạn từ 2020 - 2039, nước biển dâng 30 cm thì ranh mặn 1‰ trên sông Tiền sẽ đến cầu Mỹ Thuận, dự báo trong thời gian tới, những tác động này sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm khó lường hơn, nhất là những ảnh hưởng bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó nặng nhất là các vùng trồng các loại cây ăn trái vốn rất nhạy cảm với những thay đổi của môi trường sống. Thiệt hại hàng năm do triều cường và xâm nhập mặn khá lớn và có xu hướng tăng dần qua các năm. Đặc biệt là đợt hạn mặn năm 2015 - 2016 đã gây thiệt hại cho vùng dự án hàng trăm tỷ đồng và đây là con số thiệt hại trước mắt thống kê được, còn những thiệt hại về lâu dài do ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, làm giảm năng xuất về sau là chưa thể thống kê được. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo vệ vườn chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn huyện Cái Bè là hết sức cần thiết. Dự án sẽ được thực hiện trên địa bàn các xã gồm: An Hữu, Tân Thanh, Hòa Hưng, An Thái Đông, Mỹ Lương, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Đông Hòa Hiệp và thị trấn Cái Bè thuộc huyện Cái Bè. Tổng kinh phí để thực hiện dự án là 1.500 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương đầu tư công trình trung hạn 05 năm giai đoạn năm 2021 - 2025. Dự án số 5: Đắp đập hai đầu sông Cửa Trung để tạo thành hồ chứa nước (huyện Tân Phú Đông) Tân Phú Đông là huyện có vị trí nằm ven biển Đông, kẹp giữa sông Cửa Đại và sông Cửa Tiểu nên hàng năm vào mùa khô, nước mặn xâm nhập sâu vào đồng, hầu như toàn huyện bị bao quanh bởi nước mặn, gây khó khăn rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện. Mặc dù, trong những năm qua huyện đã được đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, nhưng giải pháp tích trữ, tạo nguồn nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất cho các tháng mùa khô vẫn chưa được giải quyết, đời sống người dân trong vùng còn gặp nhiều khó khăn, cơ cấu cây trồng chưa được đa dạng hóa, hiệu suất sử dụng đất còn thấp. Sản xuất nông nghiệp hiện nay chỉ dựa vào nước trời, mùa vụ cây trồng chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ không bền vững, do thiếu nguồn nước ngọt (pha loãng) để đáp ứng chất lượng nước cho từng thời kỳ sinh trưởng. Nhìn chung, vào các tháng mùa khô, hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện Tân Phú Đông luôn bị đình trệ hoặc kém hiệu quả. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng cụm công trình đầu mối ngăn sông cùng với nâng cấp hệ thống đê bao hiện có để tạo sông Cửa Trung thành hồ chứa nước ngọt có dung tích khoảng 43 triệu m3. Đồng thời, kết hợp hình thành tuyến đường giao thông nối liền cù lao phía Bắc và cù lao phía Nam của huyện, góp phần khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng, thích ứng với các tác động từ khai thác của các nước thượng nguồn sông Mekong và biến đổi khí hậu. Tổng kinh phí đầu tư của dự án lên đến 900 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương đầu tư công trình trung hạn 5 năm giai đoạn năm 2021 - 2025. (Nguồn: baodautu.vn) Số lượt xem: 420 - Cập nhật lần cuối: 23/03/2020 04:19' CH Các bài viết khác:
|
|