HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Kết cấu hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long Cần một hệ thống thủy lợi bền vững


02:31' CH-19, 19/11/2012
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh lương thực quốc gia, hàng năm đóng góp trên 50% tổng sản lượng lương thực quốc gia, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cả nước. Tuy nhiên khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nguy cơ ngập lụt do lũ, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt mùa kiệt… đòi hỏi phải có một kịch bản quy hoạch thủy lợi đồng bộ và bền vững.

* Từng bước được nâng cấp, phục vụ đa mục tiêu

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, trước năm 1975, thủy lợi vùng ĐBSCL không có phát triển gì đáng kể, nhiều công trình thủy lợi còn thô sơ, chưa đồng bộ, không đủ sức đáp ứng nhu cầu khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Tuy nhiên, cùng với các công trình thủy lợi được hình thành qua hàng trăm năm, trong hơn 30 năm đầu tư, xây dựng, ĐBSCL đã hình thành một hệ thống công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của toàn đồng bằng. Quan niệm thủy lợi như là một ngành “dẫn thủy nhập điền” đã dần được thay đổi bởi khái niệm “phát triển thủy lợi tổng hợp”. Thủy lợi không còn là một ngành đơn thuần chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà hướng đến phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề, nhiều mục tiêu.


12234

Làm thủy lợi nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho các mô hình sản xuất trong mùa khô ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: H.P

Ông Nguyễn Ngọc Anh – Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, toàn ĐBSCL hiện có trên 15.000 km kênh trục và kênh cấp I, gần 27.000 km kênh cấp II, khoảng 50.000 kênh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5m, trên 800 cống rộng 2-4m và hàng vạn cống, bọng nhỏ, trên 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa, hàng vạn máy bơm nhỏ để chủ động tưới, tiêu cho khoảng trên 1,4 triệu ha lúa (trên 90% diện tích vụ đông xuân và hè thu), kể cả những vùng có khó khăn về nguồn nước như Tứ giác Hà Tiên, Nam Măng Thít, Quản Lộ-Phụng Hiệp, Ô Môn –Xà No, ven biển Đông, biển Tây, vùng phèn nặng ở trung tâm Đồng Tháp Mười... Vừa qua, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tiến hành dự án Phát triển thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2 gồm 3 tiểu dự án: Nam Măng Thít (Trà Vinh-Vĩnh Long); Quản Lộ - Phụng Hiệp (Sóc Trăng – Bạc Liêu), Ô Môn – Xà No (Cần Thơ-Hậu Giang-Kiên Giang) nhằm phục vụ tưới tiêu, kiểm soát lũ, triều, ngăn mặn cho 450.000 ha đất tự nhiên.

Để kiểm soát lũ, hiện vùng ngập lũ ĐBSCL đã hình thành hệ thống đê và bờ bao với tổng chiều dài khoảng 13.000 km, trong đó có 7.000 km bờ bao chống lũ để bảo vệ lúa hè thu (tháng 8) . Cùng với hệ thống các cụm dân cư được xây dựng theo chương trình dân cư vùng ngập lũ, hệ thống giao thông kết hợp thủy lợi đã kết nối các khu dân cư với hệ thống giao thông liên huyện, liên tỉnh và quốc gia, tạo thành địa bàn sinh sống vững chắc, an toàn và chủ động trong vùng ngập lũ. Về tiêu nước, do còn nhiều vùng trũng thấp, vùng ảnh hưởng lũ lớn, nên hiện hệ thống tiêu thoát nước chỉ có thể phục vụ tốt cho khoảng 80% diện tích sản xuất nông nghiệp với mục tiêu sản xuất ổn định 2 vụ lúa đông-xuân và hè-thu. Vùng ven biển và cửa sông ĐBSCL đã từng bước hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão. Nhiều tuyến đê đã phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn và phòng tránh thiên tai như các tuyến đê biển Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... Về cải tạo và phát triển vùng đất phèn, sau nhiều năm phát triển hệ thống thủy lợi, cơ bản đã làm chủ được vùng đất phèn, biến những vùng đất phèn rộng lớn ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau thành những vùng sản xuất lúa ổn định 2-3 vụ. Hiện chỉ còn một ít đất phèn nặng ở vùng rốn phèn Đồng Tháp Mười (Bắc Đông-Bo Bo), Bán đảo Cà Mau (Hồng Dân, Phước Long)... nhưng cũng được sử dụng trồng tràm và cây công nghiệp.

* Thách thức trước biến đổi khí hậu

ĐBSCL bị chia cắt bởi một hệ thống chằng chịt kênh rạch, lại chịu tác động thủy triều (thường vào sâu tới 100km) từ biển Đông và biển Tây (ở phía Kiên Giang và Cà Mau) nhưng lại không có công trình phụ trợ nào để chủ động nguồn nước. Từ năm 2000 đến nay ĐBSCL đã xuất hiện nhiều đợt lũ lớn mang tính lịch sử, tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra với cường độ lớn và nhiều hơn. Trong điều kiện như vậy, ĐBSCL cần phải có một hệ thống thủy lợi kiên cố theo hướng đa mục tiêu, không chỉ phục vụ tốt cho sản xuất mà cả nuôi trồng, tiêu thoát lũ và đảm bảo an toàn dân sinh. Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các kịch bản về ứng phó với Biến đổi khí hậu mang tầm quốc gia vẫn chưa được thông qua. Hiện chưa có phương án, công trình nào phản ánh rõ nét việc ứng phó với biến đổi khí hậu bởi phát triển thủy lợi không chỉ phục vụ sản xuất và gắn với giao thông, môi trường.

Cũng theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, các dự án phát triển thủy lợi trong những thập niên trước đây thường thiên về phục vụ cho cây lúa, về sau này đã chuyển dần theo hướng đa mục tiêu, đặc biệt xuất hiện yêu cầu sử dụng nước cho thủy sản nước mặn, lợ. Song, công tác quy hoạch nhìn chung còn hạn chế trong việc lồng ghép, phối hợp giữa các ngành, các đối tượng dùng nước, giữa khai thác và sử dụng tài nguyên, giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, giữa đa dạng trong sản xuất nông nghiệp với sản xuất quy mô lớn các nông sản chủ lực. Trong khi đó, xâm nhập mặn là một hiện tượng phức tạp ở vùng cửa sông ảnh hưởng triều. Trong phát triển nông nghiệp ĐBSCL, bài toán xâm nhập mặn và khai thác nước mùa kiệt được xem là một trong hai bài toán cơ bản nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện chưa có sự phối hợp điều hành nguồn nước giữa vùng nuôi tôm Bạc Liêu với vùng chuyên trồng lúa Sóc Trăng. Cụ thể, nếu phía Bạc Liêu mở cửa cống lấy nước mặn vào nuôi tôm quá mạnh tay thì sẽ làm cho dòng nước mặn đẩy thẳng lên Ngã Năm, từ đó dòng mặn phân thành năm ngã đi lẫn vào đồng ruộng, nguy cơ gây hại lớn cho cây lúa (cây lúa chỉ chịu được nồng độ mặn dưới 2‰). Trong khi đó, các hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu không có quỹ đất để làm hệ thống trữ nước mặn nên chỉ có thể lấy mặn một cách ồ ạt theo nhu cầu nuôi trồng hiện thời nên đã không kiểm soát lưu lượng nước cần dùng.

Theo ông Đào Văn Bình- Phó trưởng ban Quản lý dự án kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (Sóc Trăng-Bạc Liêu), khi chưa có công trình phân ranh mặn ngọt như hiện nay, thủy triều lên nước mặn theo dòng sông Hậu đổ vào Bạc Liêu, thời điểm chưa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì dòng nước mặn này chưa đổ lên Ngã Năm tràn vào ruộng đồng. Các nhà khoa học nghiên cứu dòng chảy và lưu lượng nước sông Hậu trong tình huống chưa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì vậy cho dù cao trình nước biển lên 70mm/năm thì dòng mặn từ biển Bạc Liêu vẫn không thể tới 5 ngã sông trên. Có một điều các nhà khoa học chưa lường trước là tốc độ biến đổi khí hậu và xâm mặn xảy ra nhanh hơn tính toán và dự kiến của kịch bản.

Dự án phân ranh mặn ngọt giữa vùng đất tôm lúa của tỉnh Bạc Liêu với vùng chuyên lúa của tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng để ổn định thâm canh tăng năng suất cây trồng, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững cho vùng dự án với diện tích 165.000 ha. Hiện tại, dự án đã triển khai được 38/66 cống và đã bàn giao cho địa phương sử dụng 18 cống. Ông Bình cho biết, trước kia, để ngăn chặn nước mặn xâm chiếm nước ngọt, chính quyền địa phương các xã, huyện đã chủ động đắp đập ngăn mặn để “cứu” đồng ruộng. Tuy nhiên, mỗi năm phải đắp vào bới ra rất mất thời gian và gây nhiều tốn kém mà lại không chắc chắn. Khi dự án phân ranh mặn ngọt giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng sẽ có một trạm điều hành chung của cả hệ thống, việc đóng mở đều được điều hành trên máy, phân bổ hài hòa nước mặn và nước ngọt cho nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa và trồng cây ăn trái.

Nông nghiệp ở ĐBSCL có vai trò to lớn trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phát triển nông nghiệp sở dĩ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại bởi cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, đặc biệt là công trình thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, để đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng này trước những biến đổi bất thường của khí hậu, việc quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm phát triển bền vững cho mảnh đất “Chín Rồng” đang là yêu cầu cấp thiết. Đây cũng là một trong những mục tiêu hướng đến xây dựng nông thôn mới ĐBSCL.

Nguồn: VIỆT ÂU – HỒNG NHUNG (TTXVN)

Số lượt xem: 61  -  Cập nhật lần cuối: 24/11/2012 09:32' SA
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,