HEC - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam

Giới thiệu tài liệu mới tháng 10/2012


02:51' CH-15, 15/10/2012

Tạp chí Tài nguyên nước ( Số 3-2012 )

1. Đánh giá mâu thuẫn về sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Ba
Tác giả: THS. Lê Đức Thường

Nội dung của bài báo này trình bày kết quả tính toán đánh giá mâu thuẫn về sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Ba. Việc đánh giá mâu thuẫn về sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực là tiền đề giải quyết các tranh chấp, xung đột về nước giữa các ngành, các vùng, các địa phương trên lưu vực, là bước quan trọng trong việc xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

2. Công nghệ đập trụ đỡ trong xây dựng công trình cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Tác giả: THS. Thái Quốc Hiền - KS Vũ Tiến Thư - KS Ngô Thế Hưng

So với các cống khác theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định số 547/Ttg, cống Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NL-TN) kiểm soát triều cho lưu vực hoàn toàn độc lập và thường xuyên bị ngập vì vậy việc khẩn trương xây dựng công trình này có ý nghĩa to lớn về giải pháp chống ngập do triều cường và mang lại hiệu quả kinh tế, chính trị đối với thành phố Hồ Chí Minh.
Cửa ra của kênh NL-TN là cửa sông tiêu thoát duy nhất cho lưu vực, đoạn kênh xây dựng công trình có lòng sông hẹp, dự án nạo vét kênh bên trong sử dụng luồng qua lại thường xuyên, địa chất nền mềm yếu, đây là vị trí nằm ngay trong thành phố, mặt bằng xây dựng chật hẹp, điều kiện xã hội khá phức tạp, do vậy việc xây dựng cống kiểm soát triều NL-TN gặp rất nhiều khó khăn.
Công nghệ đập trụ đỡ là một giải pháp xây dựng được lựa chọn và đã thể hiện tính ưu việt, nhất là việt triển khai xây dựng công trình. Được xây dựng ngay trên lòng sông tự nhiên với các trụ chịu lực thi công độc lập nên ảnh hưởng không nhiều tới giao thông thủy và khả năng tiêu thoát nước. Công trình xây dựng ngay trên sông nên tiết kiệm được đất đai, không tác động sấu đến môi trường tự nhiên và do vậy giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình.


3. Ứng dụng quy hoạch động tất định trong điều tiết tối ưu hồ chứa thủy điện A Vương.
Tác giả : KS Nguyễn Công Bình – PGS Nguyễn Thống
Quy hoạch động (QHĐ) là một phương pháp phân tích định lượng được ứng dụng rộng rãi trong các bài toán phức tạp có lời giải dưới dạng của một loạt các quyết định liên tiếp nhau. Phương pháp được ứng dụng để tính toán điều tiết tối ưu hồ chứa A Vương với hàm mục tiêu là cực đại sản lượng điện hoặc cực đại thu nhập từ doanh thu bán điện trung bình năm. Quá trình điều tiết hồ chứa cần đảm bảo lưu lượng tối thiểu trả về hạ lưu tương ứng theo tháng yêu cầu theo điều kiện môi trường. Kết quả tính cho thấy điều tiết theo phương pháp QHĐ cho giá trị điện năng trung bình năm tăng hơn khoảng 0,6% so với phương pháp điều tiết theo hàm mục tiêu cực đại doanh thu từ điện. Trong khi đó doanh thu sẽ tăng 1,6% nếu điều tiết theo hàm mục tiêu cực đại doanh thu từ điện tính theo trung bình năm.

4. Ứng dụng mô hình NAM khôi phục số liệu và tính toán dòng chảy lưu vực sông Ba.
Tác giả : THS Lê Đức Thường – PGS.TS Nguyễn Thống – KS Nguyễn Văn Đại
Bài  báo này giới thiệu kết quả ứng dụng mô hình Nam khôi phục số liệu và tính toán dòng chảy của lưu vực sông Ba. Từ kết quả tính toán cho thấy việc lựa chọn mô hình NAM áp dụng cho lưu vực là rất phù hợp. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để thực hiện cân bằng và điều hòa tài nguyên nước, giúp cho việc đánh giá tài nguyên nước trên lưu vực chính xác hơn.

5. Kết quả thực nghiệm chặn dòng thủy điện Bản Chát.
Tác giả: PGS.TS Trần Quốc Thưởng – TS Nguyễn Quang Cường
Dẫn dòng thi công đóng vai trò quan trọng trong xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện trong đó chặn dòng là một khâu quyết định. Khi tính toán lý thuyết xác định các yếu tố thủy lực chặn dòng thường không đề cập được đầy đủ các yếu tố, do đó thường không qua thực nghiệm. Dưới đây nêu kết quả thực nghiệm mô hình chặn dòng thủy điện Bản Chát.

6. Đổi mới tư duy hay đổi mới cơ chế để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi? Một số kinh nghiệm ở Tuyên Quang.
Tác giả: PGS.TS Đoàn Thế Lợi – THS. Nguyễn Thị Định – THS Đào Quang Khải

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình thủy lợi hiện có phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của ngành thủy lợi, đặc biệt trong bối cảnh tiếp tục cắt giảm đầu tư công để ổn định kinh tế vĩ mô theo nghị quyết 11 ngày 24/2/2011 của Chính phủ, trong đó đổi mới cơ chế quản lý được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Với định hướng trên trong những năm qua, nhất là sau khi triển khai thực hiện chính sách miễn, giảm thủy lợi phí theo nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ, Bộ nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều chính sách mới tạo cơ sở pháp lý để các địa phương đổi mới cơ chế quản lý. Đã và đang xuất hiện một số mô hình quản lý mới, bước đầu đã mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận như mô hình Ban quản lý dự án Bắc Vàm Nao (An Giang), mô hình Ban Quản lý dịch vụ thủy lợi ở Hà Nội; mô hình Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi ở Tuyên Quang; mô hình Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4 (xã Buôn Tría, huyện Lăk), Hợp tác xã Thanh Bình (xã Dur kmũl-huyện Krông Ana) tỉnh Đăck Lắc; Hợp tác xã Mỹ Hội Đông- Huyên chợ mới…

Kính mời độc giả quan tâm  xuống Thư viện tham khảo!

Số lượt xem: 69  -  Cập nhật lần cuối: 20/12/2012 02:36' CH
Thư viện ảnh

Tài nguyên

© 2012 Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP
Địa chỉ: 95/2 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: (024) 3852-6285 - Fax: (024) 3563-2169
Trưởng ban biên tập: Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT
Số lượt truy cập: .
Số người trực tuyến: .
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,